Sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế thải nông nghiệp

Nông dân Việt

Member
Thành viên BQT
Chuẩn bị nguyên liệu

Nguyên liệu để sản xuất 2m³ (tương đương 1 tấn) phân hữu cơ vi sinh gồm:​

Phế thải nông nghiệp: Trấu, rơm rạ, bèo tây, cỏ rác, thân cây đậu, đỗ, lạc, bí, dây khoai tây, khoai lang, rác thải sinh hoạt là các chất hữu cơ: 2,5 - 3,0 m³.​

Phân lợn, trâu, bò, gia cầm...: 400 - 500 kg.​

Dịch thải hầm Biogas (nước phân chuồng): 200 - 500 lít (tương đương 10 - 25 thùng). Có thể thay bằng nước lã nếu không có dịch thải hầm Biogas/nước phân chuồng.​

Bùn ao phơi khô hoặc đất bột, đất ải đập nhỏ: 200 kg.​

Chế phẩm vi sinh: Chế phẩm sinh học đa chủng BIOVAC 0,5 kg (1 gói), chất xúc tác sinh học BICAT 0,5 lít (1chai). Có thể thay 2 loại trên bằng các chế phẩm vi sinh hữu hiệu bán trên thị trường.​

Khi mua các chế phẩm vi sinh cần xem hạn sử dụng và điều kiện bảo quản vì các vi sinh vật dễ bị hỏng khi bảo quản trong điều kiện không thuận lợi.​

Cách làm

Bước 1: Chọn địa điểm ủ

Phân hữu cơ vi sinh được ủ thành đống (có thể ủ tại nhà hoặc ngoài đồng) đảm bảo nền cao không bị úng hoặc ngập nước khi mưa.​

Bước 2: Phối trộn khô

1-trọnkho_1656323376.jpg

Các phế thải nông nghiệp phải được băm nhỏ, chặt ngắn (từ 10 - 15 cm) và phơi khô héo. Các thành phần nguyên liệu trên được phối trộn lẫn nhau thật kỹ, đều.​

Bước 3: Phối trộn ướt và ủ

Quá trình trộn và ủ được tiến hành như sau:​

Hòa 0,5 kg chế phẩm sinh học BIOVAC và 0,5 lít chất xúc tác BICAC vào các thùng dịch thải Biogas hoặc nước phân lợn, hoặc nước ao, tưới đều lên hỗn hợp vừa trộn ở bước 1, vừa tưới, vừa chất thành đống nguyên liệu và nén chặt.​

Nếu thấy đống nguyên liệu còn khô tiếp tục tưới thêm dịch thải từ hầm Biogas hoặc nước phân cho đến khi đạt độ ẩm 60 - 70%.​

2-tronuot_1656323544.jpg

Sửa sang đống nguyên liệu vừa trộn đẹp đẽ, chiều cao đạt 1,0 - 1,2 m. Sau đó trát bùn hoặc phủ rơm rạ.​

Bước 4: Đảo đống ủ

Cứ sau 20 - 25 ngày phải đảo đống ủ một lần. Đảo từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới để khối nguyên liệu ủ được đều. Khi đảo nếu thấy đống ủ khô cần tưới nước bổ sung đảm bảo độ ẩm thích hợp. Sau đó nén chặt và trát bùn hoặc phủ rơm rạ. Sau 70 - 80 ngày ủ ta được sản phẩm phân hữu cơ vi sinh.​

3-dao-dong-u_1656323560.jpg

Kiểm tra và theo dõi quá trình ủ

Trong thời gian ủ nhiệt độ và độ ẩm thay đổi. Từ ngày thứ 15 đến ngày thứ 45 nhiệt độ đống ủ trong khoảng 37 - 45°C, quá trình lên men vi sinh vật đang diễn ra rất mạnh mẽ. Sau 60 ngày nhiệt độ, độ ẩm hạ thấp.​

Sản phẩm sau ủ 70 - 80 ngày là một hỗn hợp mục, tơi, xốp, có màu đen nâu hoặc đen, không có mùi hôi thối là đạt yêu cầu.​

Bón phân hữu cơ vi sinh

4-lay-di-bon_1656323578.jpg

Lượng phân bón cho 1 ha từ 3.000 kg - 4.000 kg.​

Phân hữu cơ vi sinh là loại phân bón hiệu quả chậm nên được sử dụng chủ yếu để bón lót.​

Nếu sử dụng liên tục phân hữu cơ vi sinh qua các vụ thì đến vụ thứ 3 có thể giảm 40 - 45% phân vô cơ. Từ vụ thứ 4 trở đi có thể duy trì mức giảm 40 - 50%.​

Với thuốc BVTV từ vụ thứ 2 trở đi người nông dân tùy tình hình thực tế có thể giảm 20 - 35% so với lượng sử dụng thông thường.​
 
Back
Top