Trồng cây vàng trắng, nông dân đổi đời

VietPlant - Quản trị viên

Administrator
Thành viên BQT
Từ khi chuyển đổi những diện tích đất màu kém hiệu quả sang trồng cây tỏi tía, nông dân xã Lộc Yên, huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) thu nhập cao gấp nhiều lần so với nhiều loại cây trồng khác. Vụ tỏi năm nay, được mùa giá cao khiến nông dân phấn khởi.


Trồng cây được ví như “vàng trắng”

Cây tỏi tía vốn được trồng tại xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh từ mấy chục năm về trước, nhưng diện tích nhỏ lẻ, trồng trong các vườn hộ gia đình. Do tỏi tía trồng ở vùng này có vị đặc trưng cay đậm, nhiều tinh dầu nên được nhiều người ưa chuộng, bán được giá.​


Ông Nguyễn Văn Triều, trú ở thôn Hương Thượng, xã Lộc Yên cho hay: “Trước đây vùng đất này chủ yếu trồng lạc, ngô, đậu nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bởi vậy, gia đình tôi và nhiều hộ dân khác quyết định chuyển sang trồng tỏi tía”.​


“Tỏi tía ở đây thơm ngon, thị trường tiêu thụ rất thuận lợi, có bao nhiêu là thương lái thu mua hết sạch. Hàng năm, gia đình tôi còn đứng ra thu mua cho bà con để nhập số lượng lớn cho thương lái, bà con không phải lo đầu ra”. ông Triều nói thêm.​


143858toi-5-5-1434.jpg


Diện tích trồng tỏi tía ở xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh ngày được nhân rộng, bới đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Ảnh: PV


Theo người dân, tỏi tía là giống cây có khả năng chịu lạnh, ưa nhiệt độ mát, chịu hạn kém và không chịu được ngập úng kéo dài. Mùa vụ xuống giống thích hợp nhất từ tháng 10 (âl) đến giữa tháng 3 năm sau là cho thu hoạch. Vùng đất chuyển đổi của xã là đất cát pha thịt, tơi xốp, giàu mùn, dễ thoát nước, độ chua 6 - 6,5, phù hợp với việc trồng tỏi tía.​


Đất trồng tỏi phải làm kỹ, lên luống ngay để tránh ngập nước, luống rộng 1,2 - 1,5 m, rãnh rộng 0,3 m. Khoảng cách giữa các cây tỏi 10-15 cm, hàng cách hàng khoảng 20 cm. Bước tiếp theo, dùng rơm rạ hoặc cây tiến (một loại cây thuộc họ dương xỉ) phủ lên mặt đất vừa tạo độ ẩm, độ xốp lại giảm cỏ mọc”, ông Nguyễn Văn Triều, bật mí.​


144011ong-dien-thu-hoach-toi-1434.jpg


Theo ông Nguyễn Văn Triều, trú ở thôn Hương Thượng, xã Lộc Yên trồng tỏi tía cũng phải am hiểu kỹ thuật mới cho năng suất cao. Ảnh:PV


Trồng tỏi tía không tốn nhiều công chăm sóc như các loại cây trồng khác. Khi trồng, cần chú ý tưới nước đều, cây mọc 3 - 4 tưới nước lên rãnh để nước thấm dần. Khoảng 10 ngày, tưới nước lên rãnh 1 lần kết hợp với bón thúc phân hữu cơ và nhặt sạch cỏ dại. Lượng phân còn lại bón thúc làm 4 - 5 lần, ngừng bón phân sau khi trồng 70 - 80 ngày, giữ đủ độ ẩm cần thiết khoảng 60 % độ ẩm đất ở giai đoạn này để cho củ phát triển thuận lợi, tránh tỏi phát triển quá mức dẫn đến hỏng củ.​


Theo chị Đinh Thị Hải (hộ dân trồng tỏi ở thôn Hương Thượng) chia sẻ: “Để tỏi tía phát triển tốt, củ đảm bảo chất lượng, trước khi thu hoạch 20 - 25 ngày nên ngừng tưới nước. Khi cây tỏi tía rụng gần hết lá, củ tỏi đã già là thu hoạch được. Tỏi được đưa về nhà phơi trong bóng mát để vỏ tỏi khô dần. Nếu được giá bán ngay sau thu hoạch dưới dạng tỏi tươi hoặc buộc chùm để lên dàn thoáng mát. Cho tỏi khô vỏ, giá cao thì người dân đem bán để đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất”.​


Hướng tới sản phẩm OCOP

Tỏi tía được trồng ở xã Lộc Yên được trồng theo hướng hữu cơ, quá trình trồng, chăm sóc chỉ bón phân chuồng ủ hoai mục, người dân tự để giống nên sản phẩm rất đảm bảo chất lượng.​


144859toi-3-1435.jpg


Nhờ trồng cây tỏi tía mà kinh tế nhiều người dân xã Lộc Yên, Hương Khê khá lên. Ảnh:PV


Bà Nguyễn Thị Hòa, trú ở thôn Hương Thượng cho biết: “Đối với cây tỏi, tuyệt đối không được sử dụng phân bón hóa học, chỉ cần bón đạm hay lân cây bị rộp chết, củ bị ốp (không chắc). Bởi vậy, khi trồng xong chỉ chú ý tưới nước, làm cỏ rồi chờ ngày thu hoạch nên sản phẩm rất là an toàn”.​


Trồng tỏi tía mặc dù vốn đầu tư thấp nhưng hiệu quả kinh tế thu được cao hơn những loại cây hoa màu khác. Mỗi sào tỏi tía có năng suất bình quân khoảng 20.000 củ (tương đương với 3 tạ tỏi khô), giá bán 100-150.000n đồng/kg tỏi khô, mỗi sào đem lại thu nhập 30-40 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí người nông dân lãi gần 15-20 triệu đồng, so với trồng lạc, trồng ngô cao gấp 2-3 lần.​


Nhận thấy tiềm năng cũng như hiệu quả kinh tế đem lại, xã Lộc Yên vận động các hộ mở rộng diện tích. Đến nay, có khoảng 60 hộ trồng tỏi với diện tích trồng đạt trên 3ha, tập trung chủ yếu ở thôn Hương Thượng và Trung Thượng, mỗi năm đem lại sản lượng khoảng 20 tấn củ. Vụ thu hoạch năm nay, người dân càng phấn khởi khi tỏi vừa được mùa vừa được giá.​


144158toi-4-1441.jpg


Tỏi tía Lộc Yên có vị cay đậm, nhiều tinh dầu nên rất được thị trường ưa chuộng. Ảnh:PV


Ông Nguyễn Văn Ngọc - Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Yên, huyện Hương Khê nói: “Hiện nay, UBND xã đang tiến hành khảo sát để mở rộng diện tích, kết nối tiêu thụ và xây dựng sản phẩm OCOP tỏi tía Lộc Yên. Trong năm tới, dự kiến xã sẽ hỗ trợ lắp đặt hệ thống điện, hệ thống nước tưới tại vùng sản xuất tỏi để nâng cao sản lượng của vùng trồng tỏi, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân”.​


 
Back
Top