Vàng lá - thối rễ là một trong những bệnh hại phổ biến và nguy hiểm nhất trên cây ăn trái hiện nay, trong đó cây có múi (như cam, quýt, bưởi, chanh) tỉ lệ bệnh lên đến 50 - 60%. Bệnh vàng lá – thối rễ khi gây hại nặng sẽ rất khó trị và tốn kém. Do vậy bà con cần hiểu rõ triệu chứng, tác nhân và nguyên nhân gây bệnh để phòng trị sớm ngay từ đầu.


Đầu tiên, lá chuyển màu vàng, dễ rụng khi bị lay nhẹ. Các lá già rụng trước sau đó đến các lá trên. Lúc đầu chỉ có vài nhánh biểu hiện lá không có màu xanh bình thường, gân lá vàng, sau cả lá vàng dần.
Cây vẫn sống nhưng ở phần rễ cây thì bị thối, vỏ rễ tuột khỏi phần gỗ, bên trong có sọc nâu lan dần vào rễ cái. Khi bệnh nặng tất cả các rễ đều bị thối và cây chết.
Cây mới chớm bị bệnh thối rễ, vàng lá vết bệnh thường xuất hiện ở phần gốc gần mặt đất. Phần mô bị bệnh hơi lõm vào, có màu nâu, sũng nước và lây lan rất nhanh. Khi vết bệnh lan rộng, cây con thường bị ngã rạp. Bộ rễ của cây thối đen.

Bệnh thường xuất hiện từng cụm trên líp (luống) ươm, sau đó lan nhanh sang xung quanh. Đối với những cây bị tấn công muộn cây bị héo nhưng vẫn đứng chứ không bị ngã rạp như khi bị tấn công sớm.

Bệnh vàng lá thối rễ do nấm Fusarium solani gây hại. Ngoài ra bệnh này cũng thấy do nhiều tác nhân gồm nấm Fusarium, Pythium, Phytophthora và tuyến trùng gây ra, trong đó sự tương tác giữa nấm Fusarium và tuyến trùng là nghiêm trọng nhất.
Với vườn mới lên liếp trồng cây có múi, cây bắt đầu chết vì bệnh thối rễ từ năm thứ 5-7 trở về sau, tuỳ cách canh tác của từng vườn.

Bệnh vàng lá thối rễ gây hại nặng chủ yếu trên cam sành, quýt.
Bệnh thường gây hại nặng vào mùa mưa, ở những vùng đất bị ngập nước, thoát nước kém. Đất bị ngập nước thì rễ cây sẽ bị thiếu oxy, làm rễ suy yếu.
Nấm Fusarium solani có sẵn trong đất sẽ dễ dàng tấn công vào chóp rễ, làm rễ bị thối. Ngoài ra, ở những vùng đất có tuyến trùng thì khi chúng chích hút tạo vết thương, thuận lợi cho nấm xâm nhập gây hại trầm trọng hơn.
Bệnh thường phát triển thành dịch vào đầu mùa nắng, tháng 11 & 12 dương lịch hằng năm. Cây chết hàng loạt vào tháng 1 đến tháng 4 dương lịch và có thể tiếp tục kéo dài trong mùa mưa năm sau… Các vườn cây bệnh và chết đều là những vườn không được bón phân hữu cơ mà chỉ được bón phân hoá học.

Bệnh quan trọng và phổ biến ở hầu hết các vườn ươm, chúng có thể tấn công ở giai đoạn các tử diệp chưa nhô ra khỏi vỏ hạt và giai đoạn lúc tử diệp bắt đầu xuất hiện nhưng phổ biến nhất là từ lúc cây có đôi lá đầu tiên đến khi cây có đôi lá thứ 3. Đôi khi cây cũng có thể bị tấn công ở giai đoạn muộn hơn.
Điều kiện ẩm độ cao của đất là yếu tố thích hợp nhất để cho bệnh phát triển và lây lan.


- Trên vườn ươm:
+ Duy trì độ ẩm thích hợp cho vườn. Đất tơi xốp không bị úng nước. Đảm bảo mật độ gieo trồng vừa phải. Nước tưới phải sạch.
+ Dụng cụ chăm sóc phải được khử trùng với nước Javel. Nhà lưới phải có 2 cửa và bồn khử trùng giày dép bên ngoài.
- Trên vườn kinh doanh:
+ Trồng cây nơi đất cao thoát nước tốt, nếu vùng đất thấp phải làm bờ bao.
+ Cần rải vôi trước khi trồng để loại trừ nấm có trong đất
+ Hàng năm nên cung cấp thêm vôi xung quanh, quét vôi vào gốc cây trên 50cm vào cuối mùa nắng
+ Bón thêm phân kali, lân làm tăng khả năng đề kháng của rễ cây đối với bệnh.

Dùng kết hợp nấm đối kháng Trichoderma ủ với phân chuồng hoai mục, bón hàng năm để đất tơi xốp, hạn chế bệnh.

- Vườn ươm: Đất gieo trong vườn ươm cũng cần được xử lý trước khi gieo bằng Formalin xông hơi với vải bạt đậy bên ngoài trong 3 ngày hoặc dùng thuốc có hoạt chất Metalaxyl để xử lý đất. Sau đó, phun thuốc lên cây con ở giai đoạn sau nảy mầm cho đến khi cây cao 15 - 20 cm.
- Vườn kinh doanh: Xới nhẹ xung quanh gốc và tưới thuốc trừ nấm bệnh. Khi phát hiện bệnh sớm thì cắt bỏ rễ bị thối và bôi thuốc vào vết cắt.
- Phòng trừ tuyến trùng là tác nhân gây bệnh.

- Hạt trước khi gieo cần xử lý bằng nước nóng 52 - 54°C; thời gian tùy thuộc từng loại hạt.
- Thuốc bảo vệ thực vật có thể sử dụng
Bacillus subtilis
Fosetyl aluminium
Phosphorous acid
Streptomyces lydicus wyec 108
- Hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật:
+ Tưới vào gốc cây ở phần đã xới (xới nhẹ xung quanh gốc ở vị trí từ mép tán ngoài của cây), kết hợp phun đều lên cây khi cây mới chớm bệnh.
+ Ưu tiên sử dụng các thuốc sinh học, chỉ sử dụng thuốc hóa học khi mật độ sâu phá hại nhiều.
+ Sử dụng thuốc BVTV cần đọc kỹ thông tin trên bao bì và sử dụng theo 4 đúng: Đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách.
+ Phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát.
+ Nên phun nhắc lại 2 - 3 lần, lần sau cách lần trước 5 - 7 ngày. Tuy nhiên, cần đảm bảo thời gian cách ly.
Ban biên tập